Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

    Những lần ‘xé rào’ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

    Tin đọc nhiều

    Khi người Sài Gòn phải ăn cơm trộn bo bo vì chính sách “ngăn sông cấm chợ”, ông Võ Văn Kiệt đã “xé rào” lập tổ công tác về miền Tây mua gạo cứu đói.

    Những năm sau 1975, Sài Gòn với khoảng 4 triệu dân lâm vào cảnh thiếu lương thực. Người dân thường xuyên phải ăn cơm độn khoai, sắn, củ mì. Nguyên nhân trước đó nhà nước cải tạo tư bản tư doanh ở miền Nam, độc quyền khâu bán buôn. Điều này khiến toàn bộ mạng lưới gồm các chủ chành, chủ vựa gạo ở miền Tây bị xóa bỏ, thay bằng các công ty mậu dịch quốc doanh. Tuy nhiên, giá mua của nhà nước khi đó “thấp như cho”, nông dân miền Tây có gạo nhưng không chịu bán. Chính quyền có tiền cũng không được mua gạo theo giá thoả thuận vì dễ bị quy vào tội đi ngược chủ trương bao cấp.

    Với vai trò Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Võ Văn Kiệt khi đó đứng trước hai lựa chọn: nghiêm chỉnh chấp hành giá thu mua của nhà nước hoặc “phá rào” tìm cách mua gạo về cứu đói. Trong cuốn Tư duy kinh tế VN 1975-1989, tác giả Đặng Phong cho biết một buổi sáng năm 1978, ông Kiệt mời ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng TP HCM, ông Năm Ẩn, Giám đốc Sở Tài chánh và bà Ba Thi, Phó giám đốc Sở Lương thực tới nhà riêng ăn sáng. Sau khi dùng bữa, Bí thư Thành ủy cho biết dự trữ gạo của thành phố chỉ còn trong vài ngày.

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), bà Ba Thi (giữa), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: Tư liệu

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), bà Ba Thi (giữa), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: Tư liệu

    “Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho thành phố nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời. Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thoả thuận. Dân miền Tây có gạo nhưng không chịu bán giá nghĩa vụ cho nhà nước vì họ bị thiệt. Trong khi đó, dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua với giá thoả thuận lại không được xuống mua”, ông chỉ ra hàng loạt nghịch lý và đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời anh chị đến để hiến kế giải quyết”.

    Gợi ý này trúng ý bà Ba Thi, nhưng để thực hiện không hề dễ dàng. Bởi nếu muốn mua gạo của dân theo giá thoả thuận, bà Ba Thi chỉ có thể lấy danh nghĩa “cá nhân” chứ không thể lấy danh nghĩa Sở Lương thực (Sở phải mua theo giá nhà nước). Nhưng tư cách cá nhân, bà Ba Thi không thể ứng vốn, ngân hàng cũng không thể cho vay và chi tiền mặt. Việc xin mua ở tỉnh và vận chuyển gạo về thành phố cũng không dễ dàng, phải qua nhiều trạm canh gác.

    Giám đốc Ngân hàng TP HCM Lữ Minh Châu kể kế hoạch là đơn vị tài chính xuất tiền, văn phòng làm giấy đi đường để bà Ba Thi dùng mối quen biết địa phương miền Tây mua gạo, chở về thành phố bán cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho việc “xé rào”, một tổ thu mua gạo ra đời, gồm cán bộ kế toán, ngân hàng, vận tải… do bà Ba Thi làm tổ trưởng, sau này nhiều người gọi đùa đây là “tổ buôn lậu gạo”.

    Ông Võ Văn Kiệt đồng tình với phương án nói trên và đứng ra chịu trách nhiệm về chủ trương để các đơn vị thực hiện. Thế nhưng bà Ba Thi còn lo lắng: “Cách này chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết sẽ bị đi tù”. Ông Kiệt đáp lời: “Nếu vì việc này mà anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi”.

    Sáng hôm sau, Tổ thu mua xuống Cần Thơ mua lúa của dân với giá 2,5 đồng mỗi kg, gấp 5 lần mức nhà nước. Người dân ban đầu e dè nhưng sau đó đồng thuận bán vì thấy giá cao hơn nhiều so với trước. Việc thu mua ngày càng thuận lợi, mở rộng tới Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau… Thời gian đầu mỗi tháng tổ chỉ mua được 400-500 tấn nhưng về sau mỗi tháng mua tới 10.000-20.000 tấn. Tổ hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân Sài Gòn ổn định mới dừng.

    Ông Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy Dệt Thành Công khi là Bí thư Thành uỷ TP HCM. Ảnh: Tư liệu

    Ông Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy Dệt Thành Công khi là Bí thư Thành uỷ TP HCM. Ảnh: Tư liệu

    Giai đoạn 1978-1979, TP HCM còn đối mặt với thiếu hụt nguồn nhập khẩu khiến đầu vào của toàn bộ nền sản xuất suy giảm, kéo theo khủng hoảng về hàng hoá, lao động. Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt lại bàn với lãnh đạo thành phố tìm cách “xé rào” nhập khẩu một số nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất.

    Thành phố đưa ra sáng kiến sử dụng các thương nhân, chủ yếu là người Hoa, đứng ra thu gom mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với Hong Kong, Singapore. Công thức “hàng đổi hàng” tiếp tục được vận dụng. Giá cả tính ra USD và trao đổi bằng hiện vật, Việt Nam lấy mực khô tôm khô, lạc, đỗ để đổi lấy sợi thuốc lá, sợi dệt, xăng dầu. Hàng hoá không giao nhận bằng phương pháp thông thường mà hai bên hẹn ngày giờ, gặp nhau tại phao số 0 ngoài khơi rồi trao hàng nên không có xuất nhập cảnh, bớt được khâu thủ tục.

    Nhiều chuyến hàng trót lọt. Các nhà máy sống lại trong sinh khí mới. Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của TP HCM năm 1981 (22 triệu USD) tăng 44 lần so với 1980 (500 nghìn USD).

    Kinh nghiệm “xé rào” tại TP HCM còn được ông Võ Văn Kiệt thể hiện suốt quá trình lãnh đạo đất nước khi ra Trung ương làm Phó chủ tịch thứ nhất rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng. Ông là người ký hàng loạt văn bản tháo gỡ các trở ngại ở lĩnh vực kinh tế có từ trước. Cụ thể như bãi bỏ tất cả hạn chế về số lần, số lượng với việc gửi tiền và hàng của Việt kiều từ nước ngoài gửi về nước; bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả tuyến đường trong nước; giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xoá bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch…

    Tại cuốn “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, tác giả Đặng Phong cho biết “lá chắn” Võ Văn Kiệt không chỉ bảo vệ người trong hệ thống chính trị, mà sẵn sàng đỡ đầu những ai có tư duy đổi mới, đưa đất nước tiến lên. Điển hình là Nhóm Thứ Sáu (nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành uỷ TP HCM ra đời tháng 10/1986, thường họp vào chiều thứ 6) – một trong những think tank (nhóm tư vấn chính sách) luôn được ông trọng dụng, lắng nghe phản biện.

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo trắng, hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) trong một chuyến khảo sát với Nhóm Thứ Sáu. Ảnh: Tư liệu

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo trắng, hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) trong một chuyến khảo sát với Nhóm Thứ Sáu. Ảnh: Tư liệu

    Ông Phan Chánh Dưỡng (người sáng lập Nhóm Thứ Sáu) nói phần lớn thành viên của nhóm là chuyên gia, trí thức ở Sài Gòn trước năm 1975. Ban đầu nhóm chỉ bàn chuyện kinh tế xoay quanh Công ty Cholimex – nơi ông Dưỡng làm Giám đốc, sau đó mở rộng ra. Những góp ý hay được nhóm ghi lại chuyển cho Thành ủy, rồi gửi ra Trung ương. Những lãnh đạo TP HCM thời đó như Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực… thường đến nghe nhóm góp ý. Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cũng hay cử thư ký tham dự.

    Năm 1987, lạm phát lên gần 700%, Thành uỷ TP HCM đề nghị Nhóm Thứ Sáu tìm giải pháp “kéo giá xuống” theo yêu cầu của Trung ương. Ba tháng sau, nhóm đưa ra đề án “các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả, nhằm phát triển kinh tế”, đi ngược với quan điểm chung khi đó. Sau đó nhóm ông Dưỡng được Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng mời ra Hà Nội trình bày đề án chống lạm phát trước Trung ương.

    Đề xuất của nhóm được đánh giá cao, góp xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, cản trở lưu thông hàng hóa trên cả nước. Kể từ đó ông Võ Văn Kiệt trở thành “bệ đỡ” để Nhóm Thứ Sáu thực hiện nhiều ý tưởng, đem lại sự đột phá cho phát triển công nghiệp tại TP HCM. Trong đó đáng chú ý là lập ra Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam và sau này là khu đô thị kiểu mẫu Nam Sài Gòn…

    VNExpress.net