Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

    Triều Tiên phóng tên lửa nhiên liệu rắn, phô diễn năng lực phản công hạt nhân

    Tin đọc nhiều

    Ngày 14-4, truyền thông Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn mới Hwasong-18 nhằm “thúc đẩy triệt để” năng lực phản công hạt nhân của nước này.

    Triều Tiên phóng tên lửa nhiên liệu rắn, phô diễn năng lực phản công hạt nhân - Ảnh 1.

    Ảnh được KCNA công bố vào ngày 14-4 cho thấy vụ phóng ICBM nhiên liệu rắn mới Hwasong-18 tại một địa điểm không được tiết lộ – Ảnh: REUTERS/KCNA

    Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ đạo vụ thử nghiệm nói trên. KCNA gọi vụ phóng này là “thành công phi thường” và là sự cải thiện về năng lực thực hiện “cuộc phản công hạt nhân” nhanh chóng của nước này.

    Truyền thông Triều Tiên công bố các ảnh chụp ông Kim theo dõi vụ phóng, cùng với vợ, em gái và con gái. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 được đặt trên một bệ phóng di động.

    “Việc phát triển ICBM loại mới – Hwasong-18 – sẽ cải thiện sâu rộng các thành phần răn đe chiến lược của CHDCND Triều Tiên, thúc đẩy triệt để hiệu quả của hoạt động phản công hạt nhân và mang lại sự thay đổi về tính thực tiễn của chiến lược tấn công quân sự”, KCNA đưa tin.

    Ông Kim cảnh báo Triều Tiên sẽ khiến các kẻ thù của nước này “trải qua cuộc khủng hoảng an ninh rõ ràng hơn, đồng thời liên tục gây cho họ cảm giác bất an cũng như kinh hoàng tột độ bằng cách thực hiện các hoạt động phản công gây chết chóc, cho đến khi họ từ bỏ những suy nghĩ ngu ngốc và hành động liều lĩnh”.

    Triều Tiên phóng tên lửa nhiên liệu rắn, phô diễn năng lực phản công hạt nhân - Ảnh 2.

    Ông Kim Jong Un và con gái Kim Ju Ae đến theo dõi vụ thử ICBM mới Hwasong-18. Ảnh được KCNA công bố ngày 14-4 – Ảnh: REUTERS/KCNA

    Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn cho loại tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc xuyên lục địa.

    Từ lâu việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn được coi là mục tiêu quan trọng của Triều Tiên, vì nó có thể giúp Triều Tiên triển khai tên lửa nhanh hơn trong trường hợp chiến tranh.

    Ông Vann Van Diepen, cựu chuyên gia vũ khí của Chính phủ Mỹ và hiện đang làm việc với dự án 38 North, giải thích tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dễ vận hành và an toàn hơn, đồng thời cần ít sự hỗ trợ hậu cần hơn so với tên lửa dùng nhiên liệu lỏng.

    Tuy nhiên, ngày 14-4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá Triều Tiên cần thêm thời gian và nỗ lực để làm chủ công nghệ ICBM nhiên liệu rắn.

    Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận kể từ tháng 3, bao gồm các cuộc tập trận trên không và trên biển có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ cùng các máy bay ném bom B-1B và B-52. Họ cũng tập trận đổ bộ quy mô lớn lần đầu tiên sau 5 năm.

    Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã phản ứng dữ dội, gọi các cuộc tập trận này là hoạt động diễn tập cho một cuộc tấn công Triều Tiên. Những tuần gần đây Triều Tiên cũng tăng cường hoạt động quân sự, công bố đầu đạn hạt nhân mới nhỏ gọn hơn, phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thử nghiệm “thiết bị tấn công hạt nhân không người lái dưới nước”.

    THANH BÌNH Tuoitre.vn