Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

    Dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu quanh 6,3 triệu tấn gạo năm nay

    Tin đọc nhiều

    Có khả năng năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu từ 6 – 6,3 triệu tấn gạo, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

    Nhìn lại hoạt động xuất khẩu gạo, tại lễ “Tổng kết hoạt động năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023” diễn ra cuối tuần qua, VFA cho biết, kết thúc năm 2022, cả nước xuất khẩu được 7,106 triệu tấn gạo, trị giá 3,455 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 486,19 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 13,83% về lượng và tăng 5,09% về giá trị, giá bình quân giảm 40,47 USD/tấn.

    Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành gạo kể từ năm 2012. Với thành tích này Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

    Ảnh minh họa

    Ảnh minh họa

    Giá giảm mạnh, lợi nhuận không như kỳ vọng

    Đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm qua, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch VFA cho biết, số lượng gạo xuất khẩu chính thức của Việt Nam năm 2022 tăng 13,83% nhưng kim ngạch chỉ tăng 5,09%, và xếp thứ 03 sau Ấn Độ (23,7 triệu tấn) và Thái Lan (7,69 triệu tấn).

    Tuy xuất khẩu gạo thành công về lượng nhưng hiệu quả chưa cao, dẫn đến lợi nhuận của người nông dân và doanh nghiệp không như kỳ vọng do giá gạo xuất khẩu bình quân giảm mạnh 40,47 USD/tấn.

    Trong năm qua các thị trường xuất khẩu gạo không có thay đổi nhiều so với năm 2021; các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc và châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam.

    Riêng Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu khi khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,218 triệu tấn gạo, chiếm tỷ trọng 45,23% tổng lượng và chiếm 43,16% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 30,65%.

    Chủng loại gạo xuất khẩu sang Philippines là OM18, DT8, OM5451 và các loại gạo trắng cao cấp khác. Đáng chú ý là Indonesia đã trở lại thị trường nhập khẩu gạo thông qua hình thức thầu của Cơ quan Hậu cần (Bulog) trong các tháng cuối năm.

    Giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu diễn biến khá đồng điệu với thị trường thương mại gạo thế giới khi ghi nhận một năm nhiều biến động; giá gạo đi xuống và duy trì ở mức thấp từ đầu năm 2022, phải đến quý 3 mới đảo chiều tăng lại và tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến thời điểm cuối năm.

    “Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 tuy thành công về mặt số lượng nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế do biến động tỷ giá, lãi suất không ổn định và chi phí sản xuất cao làm giá thành gạo Việt Nam kém cạnh tranh, trong khi dòng chảy tín dụng không được khơi thông.

    Cụ thể hơn, hạn mức vay vốn đối với mặt hàng lúa gạo trong năm 2022 thấp cộng với lãi suất tăng cao, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, đã gây hạn chế nhiều cho công tác thu mua, dự trữ chờ giá của thương nhân, lợi nhuận của thương nhân lẫn người trồng lúa theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể”, Chủ tịch VFA nói.

    Kiến nghị tăng cho vay tín chấp, bình ổn lãi vay

    Tại lễ tổng kết, Chủ tịch VFA cho biết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023.

    Thứ nhất, đẩy mạnh xuất khẩu gạo để kịp thời tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa của nông dân và bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

    Thứ hai, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ phổ biến các chính sách xuất nhập khẩu ngành hàng cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

    Thứ ba, tiếp tục thời kỳ chuyển tiếp để thích ứng nhu cầu mới, tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, và phát triển bền vững nhằm thực hiện tốt 02 nhiệm vụ là bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, giữ vững an ninh lương thực quốc gia và các cam kết quốc tế.

    Bên cạnh đó, định hướng xuất khẩu gạo trong năm 2023 cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại.

    Tại châu Á, tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh ở các thị trường gần và thị trường truyền thống, gồm Trung Quốc, Hồng Kông và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia.

    “Chất lượng ổn định, giá chào hợp lý và vị trí địa lý gần là lợi thế lớn hiện nay của ngành gạo Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.

    Tại thị trường châu Phi, duy trì thị phần gạo thơm và củng cố thị phần gạo trắng.

    Tại châu Mỹ, bảo đảm thực hiện các hợp đồng tập trung với Cuba theo thỏa thuận chính phủ.

    Tại châu Âu, tiếp tục tận dụng hiệu quả chính sách ưu đãi thuế quan do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại.

    VFA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng hỗ trợ nâng mức tỷ lệ tín dụng và có phương án ổn định lãi suất.

    Thông tin tại lễ tổng kết cho biết, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2022 – 2023 đã xuống giống được 1,392 triệu ha/1,500 ha, đạt 93% diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 63 ngàn ha, với năng suất đạt 58,75 tạ/ha.

    Dự kiến sản lượng lúa năm 2023 sẽ duy trì mức tương đương năm 2022 là 42,66 triệu tấn trong điều kiện thời tiết lạc quan. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ xuống giống, tình hình canh tác và thu hoạch các vụ lúa chính trong năm để có thể kịp thời cân đối sản lượng trong nước, nhất là khối lượng tồn kho trong dân, trong doanh nghiệp không thể thống kê chính xác.

    Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi… nhìn chung trong quý 1 và quý 2 sẽ ổn định do các nước tăng cường dự trữ lương thực cũng như cho thời điểm năm mới. Giá gạo nội địa dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao do phải đến giữa tháng 3/2023 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch rộ vụ Đông Xuân.

    Sau khi cân đối về nguồn cung và nhu cầu các thị trường nhập khẩu, VFA nhận định, khả năng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu từ 6 – 6,3 triệu tấn gạo, tương ứng lượng lúa gạo hàng hóa và bảo đảm dự trữ lưu thông, do không có tồn kho gối đầu và nguồn cung giảm do chuyển đổi cây trồng và diện tích gieo cấy theo Định hướng Chiến lược Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

    Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch VFA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và sớm đề xuất với ngân hàng thương mại về khả năng tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm. Chính sách này có thể chỉ cần áp dụng trong khoảng thời gian thu hoạch cao điểm và phải dựa trên kết quả thẩm định năng lực, và lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có những chương trình tài trợ phù hợp từng đối tượng/nhóm đối tượng.

    “Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng hỗ trợ nâng mức tỷ lệ tín dụng và có phương án ổn định lãi suất trong những kỳ hạn nhất định, hoặc có chính sách điều tiết riêng đối với doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo nói riêng, nhằm hỗ trợ họ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định bền vững”, Chủ tịch VFA nêu kiến nghị.