Dù chỉ mới chỉ tiến hành bước đầu ở 4 doanh nghiệp bảo hiểm, song kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy việc bán chéo bảo hiểm qua các ngân hàng tại những doanh nghiệp này đều có những sai phạm “na ná” nhau…
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã liên tiếp phát đi thông cáo liên quan đến kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.
Trong đó, qua thanh tra, Bộ Tài chính cho biết, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Điển hình là quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Đơn cử, tại Sun Life Việt Nam, Bộ Tài chính phát hiện tới 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định bán bảo hiểm. Trong đó, có 6 đại lý bảo hiểm để người khác ký thay bên mua bảo hiểm, ký thay bên mua bảo hiểm trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm lập qua ứng dụng SunSmart; ký thay bên mua bảo hiểm tại biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm…
Hay việc các doanh nghiệp này tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn… Như ở Prudential, có tới 112.209 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tử kỳ bị tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm…
Hạch toán, khấu trừ thuế sai quy định
Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, năm 2021, Prudential đã hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
“Việc Prudential hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế”, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Tương tự, các doanh nghiệp bảo hiểm khác bị thanh tra vừa qua cũng đều có những sai phạm tương tự. Với BIDV Metlife, khoản hạch toán sai này là 174,243 tỷ đồng; Sun Life là hơn 600 tỷ đồng…
Ngoài ra, Sun Life còn chi trả, hạch toán hỗ trợ cho các ngân hàng chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Cụ thể, Sun Life chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho Ngân hàng Tiên Phong 121 tỷ đồng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu TNDN năm 2021 nhưng không căn cứ chi phí thực tế hoạt động marketing do ngân hàng thực hiện. Tương tự, khoản với Ngân hàng ACB là 78 tỷ đồng nhưng không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ…
Trong 4 công ty bảo hiểm, MB Ageas là doanh nghiệp có sai phạm hạch toán sai này nhỏ nhất với số tiền chỉ 5,9 tỷ đồng. Trong đó, MB Ageas chi trả chi phí hoa hồng đại lý đối với hợp đồng bảo hiểm đã bị hủy, chưa thu hồi đại lý số tiền là 748 triệu đồng; trả chi phí đối với hợp đồng bảo hiểm ước tính số liệu hoa hồng và thưởng hợp đồng bảo hiểm khai thác bởi đại lý chưa chính xác 950 triệu đồng và chi thưởng trực tiếp cho chi nhánh, cá nhân là nhân viên ngân hàng 3,2 tỷ đồng.
Với sai phạm này, trong kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đều đề nghị Tổng giám đốc các công ty bảo hiểm phải hạch toán chi phí bancass vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Các khoản chi tương tự ở kỳ kế toán tiếp theo, doanh nghiệp phải tính toán lại, kê khai bổ sung vào thuế TNDN.
Tỷ lệ hủy hợp đồng cao
Như trên, thống kê về tỷ lệ hủy hợp đồng bị hủy sau năm thứ nhất lên tới 73% là hợp đồng bancass của Sun Life thực hiện tại TPBank.
Năm 2021, Sun Life triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng ACB và TPB. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 2.038,14 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1.907,79 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới.
Theo thống kê, năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass. Trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 4,05%). Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPB có kỷ lục là 73%, qua ACB là 39%.
Với Prudential, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên là 41%.
Theo báo cáo tài chính, năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm của Prudential qua kênh bancass đạt 6.184,57 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass lên tới 3.700,25 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Được biết, Prudential đã triển khai bán bảo hiểm thông qua 8 tổ chức tín dụng gồm: VIB, MSB, PVcomBank, SeABank, Standard Chartered, VietBank, UOB và Shinhan Việt Nam. Trong năm 2021, công ty đã hạch toán chi phí chi trả cho các đại lý bảo hiểm là ngân hàng trên tổng số tiền 1.972,11 tỷ đồng.
Với BIDV Metlife, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất là 39%
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của BIDV Metlife, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553,278 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí (hơn 1.565.224 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 452,627 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới (460,397 tỷ đồng).
MB Ageas, tỷ lệ hủy hợp đồng sau đầu là 32,4%
Như vậy, trong 4 doanh nghiệp bị thanh tra, MB Ageas là doanh nghiệp có tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm hủy sau năm đầu thấp nhất.
Được biết, tương tự BIDV Metlife, doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính MCredit).
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 và số liệu của công ty cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 4.466,52 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 2,820.91 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên từ 32 – 73% là quá cao. Điều này cho thấy có thể có sự “ép buộc” chứ không hẳn trên tinh thần tự nguyện của người mua bảo hiểm.Và trong trường hợp khách hàng chứng minh được việc bị “ép” mua thì có thể hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.
Ông Đức cho rằng, những sai phạm trong hoạt động bán bảo hiểm thời gian qua đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Và khi người dân không tham gia nữa thì chính các công ty bảo hiểm sẽ phải gánh lấy hậu quả.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vào chiều tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường là chức năng và nhiệm vụ của Bộ, được tiến hành thường xuyên; không phải là khi có Nghị quyết của Quốc hội mới làm.
Trên tinh thần đó, sắp tới Bộ này sẽ thanh, kiểm tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng. |
TUẤN VIỆT- https://nhipsongkinhdoanh.vn/