Nhà sáng lập Ngân hàng ACB

Ông Trần Mộng Hùng (sinh năm 1953) được biết đến là nhà sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 1993 và là tổng giám đốc đầu tiên của ngân hàng này (trong 2 năm 1993-1994). Sau đó, ông được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và giữ nguyên vị trí này trong suốt 15 năm từ 1994-2008.

ACB từng đứng top đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam.

Năm 2008, ông Trần Mộng Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. Sau đó, Ngân hàng ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, gắn liền với nhiều rủi ro, nợ xấu, mất vốn và hoạt động vay nợ vàng trong giai đoạn ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964) là cổ đông lớn và là chủ tịch hội đồng sáng lập (một cơ cấu tổ chức không được pháp luật Việt Nam công nhận).

Hồi tháng 3/2010, thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền và USD gửi vào các tổ chức tín dụng. Khi đó, ông Trần Mộng Hùng đề nghị hạ bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân.

Vào thời điểm đó, ACB là một trong những ngân hàng huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi. Ông Nguyễn Đức Kiên đã không đồng ý với ý kiến của ông Trần Mộng Hùng với lý do không được giảm tổng tài sản của ACB.

Ông Trần Mộng Hùng – nhà sáng lập Ngân hàng ACB. Ảnh: ACB

 

Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải khi đó đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên ACB gửi USD và tiền vào các tổ chức tín dụng. Gần 719 tỷ đồng mà Bầu Kiên chỉ đạo nhân viên ACB mang đi gửi bên ngoài đã bị “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lấy mất.

Ông Nguyễn Đức Kiên có vị trí trong HĐQT của Ngân hàng ACB từ 1994 nhưng sau đó rút ra khỏi ban lãnh đạo và ban điều hành. Gia đình ông Kiên gồm cả vợ và 3 người em đã nắm khoảng 10% cổ phần ACB vào thời điểm năm 2006. Bên cạnh đó, ông Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, KienLongBank, DaiABank, Techcombank.

Sự trở lại của gia đình ông Trần Mộng Hùng

Sau thời gian lui về hậu trường, cuối năm 2012, gia đình ông Trần Mộng Hùng đã trở lại sau cú sốc các nguyên lãnh đạo ngân hàng này bị bắt giam và khởi tố, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên.

Năm 2012, ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) được bầu lên làm chủ tịch HĐQT. Ông Trần Mộng Hùng cũng chính thức quay lại Ngân hàng ACB, làm thành viên HĐQT từ 2012-2018. Bà Đặng Thu Thủy (vợ ông Hùng) cũng là thành viên HĐQT từ đó cho đến nay.

Ông Hùng được xem là một doanh nhân xuất sắc nhưng kín tiếng, một banker kỳ cựu và linh hồn của ACB. Ông Hùng không chỉ gây dựng mà còn giúp ngân hàng này vượt qua khó khăn khủng hoảng giai đoạn hậu “vụ án Bầu Kiên”.

Sau 4 năm nỗ lực vực dậy, từ quản trị nhân sự đến rủi ro và hoạt động, đến năm 2016, tình hình ở nhà băng này đã có nhiều tiến triển tích cực. ACB đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, kinh doanh từng bước khởi sắc, nợ xấu được đẩy lùi.

Tháng 4/2018, ông Trần Mộng Hùng rút khỏi HĐQT. Ông Trần Hùng Huy tiếp tục lèo lái ngân hàng với cương vị chủ tịch từ đó cho đến nay.

ACB nay đã trở lại vị trí hàng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP, với hoạt động cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt.

Đại gia đình ông Trần Hùng Huy hiện nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu ACB và thuộc top các gia đình giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Các thành viên gia đình ông Trần Mộng Hùng đều có mặt trong top 200 người giàu nhất trên sàn.

Tính tới cuối năm 2023, ông Trần Hùng Huy nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,43% (trị giá 3.571 tỷ đồng tính đến ngày 1/5); bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Hùng Huy) nắm gần 46,4 triệu cổ phiếu, tương đương 1,19% (trị giá 1.245 tỷ đồng). Ba công ty liên quan tới ông Hùng Huy nắm giữ hơn 157 triệu cổ phiếu (trị giá 4.215 tỷ đồng).

So với năm 2017, giá trị tài sản quy ra từ cổ phần ACB mà các thành viên gia đình ông Trần Mộng Hùng nắm giữ đã tăng 6-7 lần.

Trong hơn 30 năm ACB hoạt động, ông Trần Mộng Hùng được biết đến như một lãnh đạo có tinh thần kinh doanh thượng tôn pháp luật, luôn thận trọng và minh bạch. Đây cũng là tinh thần nhiều cổ đông nhìn thấy tại ACB dưới thời ông Trần Hùng Huy.

Trong nhiều năm gần đây, ACB dần lấy lại được vị thế là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam. ACB có quản trị rủi ro tốt, không bị ảnh hưởng bởi cú sốc trên thị trường trái phiếu hồi năm 2021-2022.