Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

    Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ?

    Tin đọc nhiều

    Việc Nga đình chỉ vai trò của mình trong New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn hiệu lực giữa Mỹ và Nga, đang khiến nhiều người lo lắng.

    New START là gì?

    Trong phát biểu ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng mối quan hệ của các bên trong New START đang “xuống cấp” hoàn toàn do lỗi của Mỹ. Cùng với việc tuyên bố đình chỉ hiệp ước, Tổng thống Putin nhấn mạnh nếu Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Nga cũng sẽ làm điều đó.

    Ngay lập tức, thông báo của nhà lãnh đạo Nga đã làm dấy lên những lo lắng trong giới chức phương Tây, những người cảnh báo về sự tan rã của cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Vậy, New START là gì mà có thể khiến sự lo lắng bao trùm như vậy?

    New START là thỏa thuận hạt nhân mới nhất trong loạt các loại thỏa thuận tương tự giữa Mỹ và Nga cũng như trước đây là Liên Xô, nhằm giảm quy mô kho vũ khí nguyên tử của mỗi nước. Trong những thập niên đầu tiên thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã chạy đua xây dựng các kho vũ khí hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khiến nhân loại bị hủy diệt.

    Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ? - Ảnh 1.

    Vào cuối những năm 1960, Tổng thống Lyndon B. Johnson kêu gọi đàm phán với Moscow để hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược của mỗi bên. Cuộc đàm phán đầu tiên bắt đầu dưới thời Tổng thống Richard M. Nixon vào năm 1969. Năm 1972, hiệp ước đầu tiên ra đời nhằm hạn chế xây dựng các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

    Sau đó, hai nước đạt được các thỏa thuận mới là START I và SORT trong đó hướng tới việc cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của đôi bên. Năm 2002, Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã đơn phương rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với lý do nó hạn chế khả năng tự bảo vệ của nước Mỹ trước “những kẻ khủng bố” và “các nhà nước bất hảo”.

    Trong khi đó, New START được ký bởi Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev vào năm 2010. Năm 2011, Mỹ và Nga bắt đầu quá trình 7 năm nhằm thu hẹp kho dự trữ vũ khí tấn công chiến lược của mình. Đó là các vũ khí hạt nhân được triển khai bằng máy bay, tên lửa hoặc tầu ngầm, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa.

    Cụ thể, mỗi quốc gia được giới hạn 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay. Mỗi nước chỉ giữ lại 1.550 đầu đạn dùng cho các phương tiện phóng này cùng khoảng 800 bệ phóng tên lửa.

    Ngoài ra, hiệp ước còn quy định các đoàn thanh tra của mỗi nước có thể tiến hành 18 cuộc thanh sát tới các địa điểm hạt nhân của đối phương mỗi năm nhằm đảm bảo sự tuân thủ thỏa thuận.

    Cả Mỹ và Nga đều tuân thủ hiệp ước này, ít nhất là tới tháng 2/2018. Tuy nhiên, sóng gió với tương lai của New START bắt đầu khi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump mô tả nó là “thiếu sót sâu sắc” vì không cho vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn vào diện phải giảm. Các cuộc đàm phán để gia hạn New START bị đình trệ dưới thời ông Trump. Ngoài ra, Mỹ cũng rút khỏi một thỏa thuận cấm tên lửa tầm trung trong giai đoạn này.

    Chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt thỏa thuận với Nga về New START vào năm 2021 và nó có hiệu lực tới tháng 2/2026. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra không được tiến hành trong 3 năm qua, phần vì đại dịch Covid-19, phần vì mối quan hệ giữa 2 nước đã trở nên xấu đi sau Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

    Việc Nga rút khỏi New START sẽ ảnh hưởng ra sao?

    Trong thông báo chính thức, Tổng thống Putin nói rằng Nga tạm đình chỉ New START. Điều đó không có nghĩa là Nga rút hoàn toàn khỏi hiệp ước. Dẫu vậy, Moscow sẽ không cho phép các nước NATO thanh sát kho vũ khí hạt nhân của mình. Thậm chí, Nga còn cáo buộc NATO hỗ trợ Ukraine sử dụng máy bay không người lái để tấn công các căn cứ không quân Nga, nơi có các máy bay ném bom chiến lược – một phần của lực lượng hạt nhân nước này.

    Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ? - Ảnh 2.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng tuyên bố của Nga phần nhiều mang tính biểu tượng bởi thực chất, việc kiểm tra nhằm đảm bảo sự tuân thủ với thỏa thuận này đã không được tiến hành từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, động thái này của Nga cũng được xem là biện pháp tạo áp lực với phương Tây trong vấn đề Ukraine.

    Dẫu vậy, tuyên bố của ông Putin vẫn làm giới chức phương Tây quan ngại về sự suy giảm các nỗ lực giải trừ hạt nhân, nhất là trong thời điểm quan hệ Mỹ – Nga đang vô cùng căng thẳng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng việc đình chỉ hiệp ước của Nga có thể khiến toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí bị sụp đổ. Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Nga “xem xét lại quyết định của mình”.

    Phía Mỹ thì cho biết sẽ xem xét cẩn thận các động thái của Nga sau tuyên bố rút khỏi New START.

    Tham khảo: Washington Post