Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

    Chứng khoán và con khỉ

    Tin đọc nhiều

    Chứng khoán và con khỉ là hai từ chỉ hai thực thể khác nhau, một từ chỉ khái niệm trừu tượng trong lĩnh vực tài chính và một chỉ một loài động vật, nhưng lại được cùng viết tắt là CK. Và với hai câu chuyện dưới đây, chúng cũng có những mối liên hệ với nhau… không chỉ qua hai từ viết tắt.

    Câu chuyện 1

    Nhà đầu tư nọ sau một phiên mệt mỏi bám sàn, trở về nhà với bộ mặt không vui (hẳn là do thị trường không như ý). Cậu con trai còn nhỏ tuổi của nhà đầu tư chạy ra hỏi bố, từ CK là viết tắt của chữ gì mà sao thấy nhiều người quan tâm đến CK thế. Sẵn bực mình, cộng với muốn giải thoát khỏi sự “quấy nhiễu” của cậu nhóc, nhà đầu tư đã gắt lên và trả lời CK là… là con khỉ chứ còn gì nữa!

    Bài học rút ra: Nếu chứng khoán thuận chiều, nhà đầu tư vui vẻ thì CK có nghĩa là chứng khoán, là niềm vui và cũng là mặt hàng đem lại lợi nhuận cũng sự thoải mái cho nhà đầu tư. Còn khi biến động của thị trường là xấu thì CK có nghĩa là con khỉ, có nghĩa là sự không thoải mái, là sự khó chịu trong lòng nhà đầu tư.

    Câu chuyện 2

    Một vùng quê nổi tiếng có rất nhiều khỉ, nhiều đến nỗi khỉ và con người cùng chung sống “hòa bình”. Ngày nọ, có một “nhà đầu tư” đến và ra giá mua 5 USD/con khỉ, vậy là dân làng đổ xô vào rừng đánh bắt, bẫy khỉ đem về bán. Đàn khỉ cứ thế vơi dần, vơi dần, cho đến một hôm nhà đầu tư nọ thông báo nâng giá mua lên 10 USD/con khỉ, nhưng số lượng khỉ cũng bẫy được đem bán cũng không tăng là bao. Thấy vậy, nhà đầu tư thông báo với dân làng là mình phải đi nơi khác “gom” khỉ và sẵn sàng trả tới 20 USD/con khỉ trong thời gian tới nếu dân làng bắt được. Nhưng số khỉ ngoài tự nhiên chẳng còn bao nhiêu so với số lượng mà dân làng đã bắt được và bán cho nhà đầu tư nọ với giá 5 USD/con. Một thời gian sau, bỗng dân làng thấy xuất hiện một nhóm người bán khỉ với giá hời 10 USD/con và tất nhiên, người ta đổ xô đi mua với hy vọng sẽ bán được với giá 20 USD/con cho “nhà đầu tư” nọ. Họ huy động mọi nguồn lực, tranh nhau mua, ai mua được thì hả hê, ai không mua được thì kêu than, vật vã vì tiếc của… Rồi cũng đến lúc dân làng không còn gì để tiếp tục mua khỉ nữa thì nhóm bán khỉ kia cũng ra đi. Dân làng đợi hoài, 1 tuần – 1 tháng – nửa năm rồi 1 năm sau cũng không thấy nhà đầu tư nọ quay lại. Kết quả là dân làng đã nghèo lại thêm nghèo vì tốn tiền chăm nuôi (kiểu như lãi mẹ đẻ lãi con) và cuối cùng phải… cắt lỗ bằng cách mở “cửa chuồng”.

    Bổ sung thêm là nhà đầu tư đó ngày nay người ta gọi là đại gia chứng khoán, dân làng là nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhóm người bán khỉ là nhân viên môi giới.

    Liên hệ đến chứng khoán xứ ta, sau giai đoạn thăng hoa 2007, sụt giảm nghiêm trọng vào 2008, hồi phục 2009 và từ 2010 đến nay lại tiếp tục sụt giảm. Diễn biến khiến chúng ta liên tưởng dường như có “nhà đầu tư” nọ đã đến mua CK (chứng khoán) với giá hời tạo ra niềm tin rằng giá chứng khoán (CK) sẽ tăng trong thời gian tới, để rồi giờ đây các nhà đầu tư (dân làng trong câu chuyện kia) lại phải miễn cưỡng… chung sống hòa bình với chứng khoán (CK) của mình.

    Liệu TTCK Việt Nam giai đoạn hiện nay có đúng như vậy không? Lý giải theo góc độ hài hước, chúng ta tạm chấp nhận mối liên hệ không có gì là hay ho này và cũng tạm thời chấp nhận có lẽ chúng ta (những nhà đầu tư nhỏ lẻ) chỉ là những người dân làng nghèo khổ kia mà thôi, còn chứng khoán cũng giống như những con khỉ kia, chúng không có tội. Vậy ai là người có tội khi chứng khoán bỗng biến thành… con khỉ?

    Những “chuyện lớn” khác thì không dám lạm bàn, chỉ xin nói vài điều về các nhà đầu tư nhỏ. Thật ra, cái ước muốn mua chứng khoán (CK) và kiếm được lợi nhuận chẳng có gì xấu. Chỉ có điều, như người dân làng kia, cũng có thể coi họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có lẽ họ bị điều khiển bởi “lòng tham” mà quên mất nỗi “sợ hãi” là có thể mất của. Âu cũng là bài học, khi đã nhà đầu tư (mua CK nhằm bán lại với giá cao hơn) thì nên trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức kinh doanh cần thiết, đồng thời phải có sự “sợ hãi” ghìm phanh, tránh những rủi ro không thể khắc phục được khi thị trường biến động trái chiều.

    Chính vì vậy, có thể kết luận, chứng khoán hay con khỉ đều có giá, giá của nó có thể là giá trị và trong một chừng mực nhất định được phản ánh thông qua giá cả mua bán trên thị trường. Giá thị trường có thể biến đổi theo quan hệ cung cầu và không phải lúc nào cũng theo chiều theo mong muốn của chúng ta, chúng ta cần chấp nhận chung sống “hòa bình” trên thị trường, đồng thời cũng phải trang bị đầy đủ những kiến thức để biết được giá trị thực của chứng khoán ở đâu, tránh những chiêu lừa như những dân làng trong câu chuyện trên.